image banner
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG NHÀ TRƯỜNG
 
image

Hoạt động 72 năm thành lập trường

image

Chào mừng năm học mới

image

 

TÌM HIỂU VỀ LUẬT TIẾP CÔNG DÂN

ĐẶC SAN

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Số:  03/2014

 

 

 

CHỦ ĐỀ

TÌM HIỂU VỀ LUẬT TIẾP CÔNG DÂN

 

 

Phần thứ nhất

MỘT  SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

 

I.  KHÁI QUÁT VỀ TIẾP CÔNG DÂN

1. Quan niệm, các loại hình tiếp công dân

1.1. Quan niệm về tiếp công dân

Trong thời kỳ phong kiến nước ta, Bộ máy Nhà nước được thiết lập theo chế độ quân chủ, căn bệnh quan liêu cùng sự tha hóa của bộ máy quan lại là điều không tránh khỏi. Đó là một trong những nguyên cớ làm nảy sinh phiền hà, oan ức đưa đến khiếu kiện của dân chúng.

Theo Đại việt Sử ký Toàn thư: Vua Lý Thái Tông (1028-1054) thường có các chuyến vi hành về các vùng quê tiếp xúc với dân, nghe dân nói và thông hiểu việc của dân; Vua Lý Anh Tông (1137 – 1175) đã cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai muốn bày tỏ điều gì thì ghi bì thư vào đó. Thời kỳ nhà Trần, vào năm 1284 Vua Trần Nhân Tông đã mở Hội nghị Diên Hồng để xin ý kiến các bô lão về việc đánh hay hòa khi giặc Nguyên đến xâm lấn. Cũng trong triều đại này đã “Cho phép thường dân được trực tiếp tâu bày những điều oan ức khi Vua kinh lý. Dưới triều Nguyễn các quy định về việc xem xét khiếu kiện và tiếp xúc với nhân dân tiếp tục được thực hiện, chẳng hạn cho đặt chuông, đặt hòm để tạo thuận tiện cho người có khiếu kiện oan khuất thực hiện kêu cứu với cửa quan triều đình.

Ngày nay, khái niệm tiếp công dân đã thường xuyên xuất hiện trong đời sống hàng ngày và trong các văn bản pháp luật. Hoạt động tiếp công dân là một trong những hoạt động thường xuyên của các cơ quan Nhà nước .Thông qua việc tiếp công dân, Đảng và Nhà nước lắng nghe được những ý kiến của dân, nhận được những thông tin kịp thời phản ánh về quá trình thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó Đảng và Nhà nước có thể điều chỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế đất nước.     

Xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu và lợi ích của cơ quan, đơn vị và nhìn từ phía do nhu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức thì tiếp công dân có thể được nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau sau:

Thứ nhất, từ bản chất ngữ nghĩa, tiếp công dân là việc thực hiện giao tiếp từ phía cơ quan nhà nước, giải quyết quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Thứ hai, từ việc đáp ứng yêu cầu của công dân, tiếp công dân là giải quyết những yêu cầu của công dân. Theo đó, công dân thực hiện quyền của mình và nhà nước phải đáp ứng.

Thứ ba, hiểu là một nghiệp vụ của nhà quản lý, tiếp công dân là của người thừa hành công vụ. Khi đó, tiếp công dân thuộc phạm trù kỹ năng, nghiệp vụ công tác của cán bộ, công chức.

Từ các cách tiếp cận trên, cần có cách nhìn khái quát về tiếp công dân gắn với công tác lãnh đạo, quản lý, gắn với quyền dân chủ, quyền phản hồi thông tin, gắn với yếu tố văn hoá và các kỹ năng nghiệp vụ khác. Tiếp công dân, trong đó bao gồm việc xử lý thông tin từ đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; là một phương thức tiếp nhận thông tin phản hồi của quản lý, là một nội dung mang tính nghiệp vụ sâu sắc.

1.2. Các loại hình tiếp công dân.

Tuỳ theo tính chất, nội dung vụ việc mà phân ra các hình thức tiếp công dân sau:

1.2.1. Tiếp công dân đến khiếu nại

Đây là hình thức mà công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận khiếu nại của công dân, giải quyết kịp thời khiếu nại thuộc thẩm quyền. Các khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

1.2.2. Tiếp công dân đến tố cáo

Đây là hình thức mà công dân đến báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp công dân. Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền thì cần phải xác minh, giải quyết kịp thời nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp khẩn cấp, nơi tiếp công dân phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời hành vi nguy hiểm và có biện pháp cần thiết bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp mà tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

1.2.3. Tiếp công dân đến kiến nghị, phản ánh

Đây là hình thức mà công dân đến đề đạt tâm tư, nguyện vọng của cá nhân mình với cơ quan, người có thẩm quyền hoặc phản ánh những vấn đề có liên quan đến chủ trương, chính sách, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước, về công tác quản lý của cơ quan, tổ chức. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân; tiếp nhận những nội dung mà công dân kiến nghị, phản ánh để xem xét, giải quyết.

2. Mục đích, ý nghĩa của việc tiếp công dân

Khẳng định nội dung tính quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Hiến pháp năm 2013, tiếp tục ghi nhận về nội dung này, cụ thể Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Nhìn nhận về tính quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hay ở một khía cạnh nhất định nào đó tức là thực hiện quyền dân chủ. Dân chủ ở đây không chỉ là bản chất mà còn là mục tiêu, động lực của cuộc cánh mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong hoạt động quản lý Nhà nước, việc thực hiện dân chủ có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý, mà còn quyết định tới sự ổn định hay không ổn định của tình hình chính trị - xã hội đất nước, góp phần phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta, củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước… Như vậy, trong hoạt động quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp vào hoạt động này, phải tổ chức tốt việc tiếp thu ý kiến của nhân dân thông qua công tác tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước.

Thông qua khái niệm nêu trên, có thể chỉ ra một số mục đích và ý nghĩa của công tác tiếp công dân.

2.1. Mục đích của công tác tiếp công dân

- Việc tiếp công dân nhằm mục đích tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị. Đây là sự cụ thể hoá quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của Nhà nước và xã hội của công dân, là sự cụ thể hoá phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

- Việc tiếp công dân sẽ giúp cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành một cách hiệu quả. Bởi vì, tiếp công dân là điểm khởi đầu, là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều này là nhằm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tiếp công dân cũng là để hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng chính sách pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng đối với quần chúng nhân dân.

- Việc tiếp công dân cũng đặt ra một yêu cầu mang tính bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức Nhà nước là phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

2.2. Ý nghĩa của công tác tiếp công dân

- Tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi” (xem Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.286). Làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Cơ quan nhà nước phải tiếp công dân tốt thì nhân dân mới thấy rõ Đảng và Nhà nước luôn giữ chặt mối liên hệ với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng càng được củng cố hơn.

Việc tiếp công dân thể hiện rõ quan điểm “lấy dân làm gốc”, thông qua công tác tiếp dân giúp cho Đảng, Nhà nước luôn gần gũi với dân, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, ý kiến của người dân liên quan trực tiếp tới hoạt động của cán bộ, cơ quan Nhà nước và giải đáp kịp thời những vướng mắc. Qua đó góp phần làm yên lòng người dân, duy trì sự ổn định về tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thực hiện tốt việc tiếp công dân còn là sự thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tôn trọng pháp luật, từ đó tăng thêm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Mặt khác làm tốt công tác tiếp công dân cũng sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân giúp cho Đảng và Nhà nước nói chung, các cơ quan nhà nước nói riêng thu nhận được những thông tin phản hồi về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống từ đó đề ra những chủ trương, quyết định đúng đắn hợp lòng dân.

- Công tác tiếp công dân có quan hệ chặt chẽ với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Muốn thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải thực hiện tốt việc tiếp công dân, từ đó sẽ khắc phục được tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan vượt cấp, gửi không đúng chủ thể có thẩm quyền giải quyết cũng như các bất cập khác trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, giáo dục ý thức công dân trong việc giữ gìn trật tự kỷ cương pháp luật, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Ở khía cạnh cụ thể, tiếp công dân là khâu đầu tiên, là tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tiếp công dân là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ.

Trên thực tế, người dân được trực tiếp làm việc, tiếp xúc với cán bộ, do đó, để đánh giá cán bộ một cách toàn diện, đầy đủ cần thông qua ý kiến phản hồi của quần chúng. Muốn vậy người lãnh đạo qua công tác tiếp dân sẽ nắm bắt được đầy đủ thông tin, kiểm tra, đánh giá chính xác cán bộ của mình. Đảng, Nhà nước phải dựa vào dân, qua sự giám sát, kiểm tra của nhân dân thì việc đánh giá sàng lọc cán bộ, đảng viên mới được toàn diện.

- Tiếp công dân cũng là một kênh thông tin để đánh giá tính khả thi của các chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đánh giá chính sách là việc xem xét, nhận định về giá trị các kết quả thu được khi thực thi chính sách. Đánh giá chính sách được tiến hành trên cơ sở một chính sách đã được hoạch định, thực thi và có sự phản ánh kết quả trở lại. Đánh giá tính khả thi của chính sách, tức là trả lời câu hỏi: việc thực thi chính sách có đạt được mục tiêu đề ra hay không, có đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của các nhóm đối tượng của chính sách hay không? Các chính sách, cũng như hoạt động quản lý Nhà nước được thực thi trên thực tế sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Do vậy, cần có sự phản hồi của người dân để đánh giá chính sách.

Trên cơ sở những thông tin phản hồi giúp cho Đảng, Nhà nước nắm bắt được kịp thời kết quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở các cấp, các ngành, từ đó cơ quan nhà nước nắm được các thông tin quan trọng để tự mình kiểm tra lại những việc làm, hạn chế những sơ hở thiếu sót trong việc thực hiện các chủ trương chính sách và các quyết định quản lý điều hành của các cấp chính quyền để có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật.

- Tiếp công dân là tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.

Khi người dân cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm mới đến cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo. Nếu cơ quan nhà nước không tiếp dân và giải quyết kịp thời sẽ tạo nên bức xúc của người dân đối với cơ quan nhà nước. Nếu những bức xúc đó không được giải quyết sẽ phát sinh các vấn đề lớn về mặt xã hội, người dân dễ bị kích động bởi các thế lực thù địch, có các hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước. Do vậy, làm tốt công tác tiếp công dân không những tạo điều kiện cho người dân được thực hiện quyền tự do, dân chủ mà thông qua đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

3. Vai trò của công tác tiếp công dân

Thứ nhất, tiếp công dân để tiếp nhận các thông tin, những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan đơn vị.

Đây là sự thể hiện sinh động bản chất dân chủ, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mục tiêu này cũng là một bước cụ thể hóa quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương. Mặt khác điều này còn là sự hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác quản lý và thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, tiếp công dân để tiếp nhận các khiếu nại tố cáo của công dân.

Điều này nhằm đảm bảo thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Hiến pháp quy định. Qua đó cho thấy mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Biểu hiện là việc tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo thông qua tiếp công dân sẽ giúp công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị được tiến hành một cách có trật tự và hiệu quả.

Thứ ba, tiếp công dân để hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

Nội dung này thể hiện rõ yêu cầu mang tính bắt buộc đặt ra đối với các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước trong quan hệ với công dân đó là phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đồng thời điều này cũng là để khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo nói riêng đối với quần chúng nhân dân.

               Thứ tư, tiếp công dân là một yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình hoàn thiện công tác quản lý.

Xây dựng và bảo đảm thực hiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân trước hết mọi quyền lợi chính sách phải hướng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của dân. Bởi vậy mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát  từ nhân dân, từ thực tế cuộc sống của cộng đồng dân cư và sau đó phải trở về phục vụ bảo đảm cho cộng đồng dân cư. Công tác quản lý của các cấp, các ngành cần phải có được thông tin ban đầu trong thiết kế chính sách và cần có thông tin phản hồi về tính thực tiễn của chính sách, những yếu kém, khiếm khuyết của chính sách, những hạn chế của công tác quản lý cũng như đội ngũ, cơ cấu tổ chức bộ máy vận hành thực thi chính sách. Tiếp công dân là một kênh có nhiều điều kiện thuận lợi giúp cho nhà quản lý có thể tự điều chỉnh được những hạn chế, khiếm khuyết trên. Do tính cụ thể, tính rộng khắp và tính đa dạng của cộng đồng dân cư, thông tin đến với quản lý qua tiếp công dân từ nhiều phía, nhiều đối tượng. Từ đó các cấp các ngành thấy được một thực tế sinh động và sự phù hợp không phù hợp của chính sách, cơ chế…Những con số, thông tin hiện tượng do tiếp công dân đưa lại, giúp cho công tác quản lý về phương diện: điều tra xã hội học, sự phản ứng của dân cư đối với những vấn đề nhạy cảm của đời sống xã hội; sự phản ánh tình hình thực tế về điều chỉnh của chính sách pháp luật và dự báo những vấn đề phát sinh; Có được những thông tin về thực trạng cơ chế, bộ máy, con người thực thi chính sách; Phản ánh sự tin cậy của nhân dân với chính sách, với chế độ, tính ổn định của cộng đồng dân cư.

               Thứ năm, tiếp công dân là một thủ tục trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giải quyết những khiếu kiện, vướng mắc của dân là một trong những con đường thiết thực để thực hiện, bảo đảm quyền dân chủ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong đó tiếp công dân là một thủ tục không thể thiếu được của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp công dân là một thủ tục trong giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo và xuất hiện không chỉ một lần, ở một thời điểm mà nó có thể thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau trong suốt quá trình giải quyết vụ việc:

               + Trước hết, việc tiếp công dân được thực hiện ngay từ thời điểm ban đầu khi giải quyết vụ việc. Lúc này việc tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu nhằm có thể tiếp nhận thông tin để tự điều chỉnh quyết định hành vi của mình. Tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở những lần tiếp theo, để xem xét giải quyết vụ việc theo thẩm quyền hoặc đôn đốc kiểm tra quá trình giải quyết vụ việc (thi hành quyết định có hiệu lực, giám sát kiểm tra…).

               + Tiếp công dân được thực hiện trong quá trình xem xét thẩm tra, xác minh giải quyết vụ việc. Quá trình giải quyết vụ việc, việc cơ quan có thẩm quyền, thông qua tiếp công dân nhằm thu thập thông tin, thẩm tra xác minh những thông tin đã thu nhận được và hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định…Thậm chí việc tổ chức đối thoại, giải quyết vụ việc cũng có thể được hiểu là việc tiếp công dân.

               + Tiếp công dân có thể giúp cho vụ việc khiếu nại, tố cáo sớm chấm dứt. Từ đó vụ, việc được kết thúc “như một con đường của hòa giải”. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc được giải quyết chấm dứt ngay trong quá trình tiếp công dân. Đặc biệt việc tiếp công dân khi giải quyết lần đầu tại nơi có vụ việc khiếu nại tố cáo xảy ra. Xuất phát từ nội dung này cần tăng cường công tác tiếp công dân ở cơ sở nhằm chấm dứt, giải quyết ngay từ đầu việc khiếu nại tố cáo.

               Thứ sáu, tiếp công dân giúp các cơ quan thẩm quyền thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thông qua những quy định về đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội tham gia vào công tác tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân trong phạm vi công việc của mình chính là một phương thức giúp cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra giám sát.

Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đã có Nghị quyết số 30/2004/QH11 của Quốc hội, Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27/10/2004 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quy định về công tác tiếp công dân của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội như Nghị quyết số 228/NQ/UBTVQH10 quy định về trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 370/2003-NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003; Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 370/2003-NQ-UBTVQH11.

Để kiện toàn, thống nhất mô hình tiếp công dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tiếp công dân, ngày 14/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 858/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác tiếp công dân. Và mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật tiếp công dân nhằm thống nhất về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của công tác tiếp công dân trong phạm vi cả nước.

Qua nghiên cứu cho thấy quan điểm Đảng và Nhà nước về tiếp công dân là hết sức toàn diện, sâu sắc thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

               - Tiếp công dân là một hình thức biểu hiện trực tiếp của nền dân chủ XHCN, là một trong những phương thức giám sát của nhân dân đối với Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước.

- Làm tốt công tác tiếp công dân  góp phần củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

               - Việc tiếp công dân  là trách nhiệm của thủ trưởng các cấp các ngành, cơ quan, đơn vị.

               - Giải quyết nhanh, tốt, kịp thời các yêu cầu nguyện vọng của nhân dân là một yêu cầu quan trọng đối với các ngành, các cấp các cơ quan đơn vị.