image banner
image

THƯ VIỆN ẢNH

 
Thư viện Ảnh
select
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 104
  • Trong tuần: 3 341
  • Tất cả: 19096
“MẠC TU HỮU” BẢN ÁN CÒN MÃI NỔI ĐAU
Lượt xem: 117
Trở lại quê nhà, trên con đường tỉnh lộ từ Vĩnh Điện lên Ái Nghĩa, cách Vĩnh Điện khoảng 5 km, bên tay phải là thôn Thai La, làng Bất Nhị là nơi chào đời của Chí sĩ họ Trần. Tiên sinh nguyên tên là Trần Nghị sau đổi tên là Quý Cáp, hiệu Thái Xuyên, sinh năm Canh Ngọ (1970). Thiếu thời ông rất thông minh, học giỏi nhưng nhà nghèo không có sách để học, ông phải làm thân với các con của cụ Nguyễn Thành Ý để mượn sách về học, khi đi tập bài ở trường đốc ông luôn đứng đầu.

“MẠC TU HỮU” BẢN ÁN CÒN MÃI NỔI ĐAU

Khúc Ly Hương

 

Nhân một chuyến tham quan, trên con đường thiên lý bắc nam, khi ngang qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, bất chợt đập vào mắt tôi một cây cầu nhỏ mang tên chí sĩ Trần Quý Cáp. Đây là cầu Phước Thạnh, sông Cạn nơi mà thực dân Pháp cùng những tên quan lại tay sai đã hành quyết chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp một cách dã man không cần xét xử (mạc tu hữu).

          …Ba chữ án thành khóc vang non bể (Phan Bội Châu) ngày ấy, 17 tháng 5 năm Mậu thân (16/5/1908). Bây giờ đã hơn 100 năm nhưng trong lòng đất mẹ, trong từng huyết quản của người dân Việt vẫn thắm đượm máu Người.

          Trở lại quê nhà, trên con đường tỉnh lộ từ Vĩnh Điện lên Ái Nghĩa, cách Vĩnh Điện khoảng 5 km, bên tay phải là thôn Thai La, làng Bất Nhị là nơi chào đời của Chí sĩ họ Trần.

anh tin bai

Mộ chí sĩ Trần Quý Cáp lúc chưa trùng tu

          Tiên sinh nguyên tên là Trần Nghị sau đổi tên là Quý Cáp, hiệu Thái Xuyên, sinh năm Canh Ngọ (1970). Thiếu thời ông rất thông minh, học giỏi nhưng nhà nghèo không có sách để học, ông phải làm thân với các con của cụ Nguyễn Thành Ý để mượn sách về học, khi đi tập bài ở trường đốc ông luôn đứng đầu.

          Năm 1899 thân phụ ông qua đời, ông phải ở nhà dạy học nuôi mẹ. Năm Giáp Thìn (1904) ông đỗ Tiến sĩ cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng ,cũng là năm cựu học bắt đầu suy thoái, tân học được tôn sùng, sách báo của Khương Hữu Vị, Lương Khải Siêu, “Dân ước” của Lư Thoa, “Pháp ý” của Mạnh Đức đã được dịch ra phổ biến ở kinh, sớ xin bỏ thi cử của Thân Trọng Huề, bài “Thiên hạ đại thể luận” của Nguyễn Lộ Thạch…ông đã đọc, tiếp thụ các tư tưởng, tích cực đổi mới, ông đã đề xướng, cổ xúy tân học, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, đông du…

          Năm 1905 ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Thượng Trung vào Nam cổ động phong trào Duy Tân, khi đến Bình Định gặp lúc trường đốc đang hạch các ông đã lấy tên Hoàng Mộng Giác vào dự thi, cụ Phan Châu Trinh làm bài thơ “CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH”, cụ Trần và cụ Huỳnh làm bài phú “LƯƠNG NGỌC DANH SƠN”, với nội dung đánh thức lòng yêu nước của nhân dân.

          Năm 1906 có chỉ vua bổ ông làm giáo thọ phủ Thăng Bình. Đến đây ông mời thầy dạy thêm chữ quốc ngữ và chữ Pháp cho học trò. Phái cựu nho đã công kích ông qua bài: “cựu học tế tân học”, ông bèn làm bài “Sĩ phu tự trị” để cảnh tỉnh.

          Nhân việc qua phủ Điện Bàn, Trần Văn Thông ra lệnh trống phủ thì đánh ba hồi và ba tiếng, còn trống trường thì đánh một hồi và một tiếng chứ không được đánh như trống phủ, ông bèn làm bài thơ:

                              Trống trường, trống phủ, trống lung tung

                              Trống cũng quan, đau mới lạ lùng

                              Trống đặng mấy hồi mà lớn tiếng

                              Dăm mòn da mỏng cũng như không.

          Quan phủ nghe được vô cùng tức giận.

          Các cuộc diễn thuyết của ông ngày càng thu hút nhiều người nghe, có tác động mạnh, khiến bọn Pháp lo ngại, chúng cài mật thám theo dõi ông, một tên mật thám báo với người Pháp: “Không giết người này thì vài năm nữa dân Nam, Ngãi không thể trị được” người Pháp đồng tình nhưng chưa có cơ hội để giết ông và nói: nên đổi nó đi xa và cho tên mật thám ở với nó để theo dõi, tên mật thám đồng thời được bổ làm tuần vũ Khánh Hòa.

          Theo cụ Trần Huỳnh sách: lúc bấy giờ Nguyễn Văn Mại làm bố, chánh Quảng Nam mời ông ra dạy con của bố chánh tại dinh được hai tháng, hằng ngày ông thấy trống đánh ba hồi, quan ra ngồi chễm chệ giữa công đường, dân chúng đến hầu thì mỗi người bưng một mâm lễ đặt trước sân sắp hàng lạy, quan thì hầm hét nào giăng nọc đánh, nào ngăm chặt đầu, gông cổ… nhưng khi nghe có Tây đến thì áo không kịp gài, giày không kịp mang, chỉ biết đứng nghe tên thông ngôn nói gì thì dạ nấy, thấy thế ông chửi mắng tàn tệ, ông bố chánh ra lệnh ông nghỉ dạy, căm thù ông từ đấy.

          Tháng 2 năm Mậu Thân (1908), ông bị đổi vào làm giáo thọ phủ Ninh Hòa, Khánh Hòa, ông không chịu đi, muốn từ chức viện cớ mẹ già nhưng các thân hữu khuyên ông nên đi xa để tránh sự theo dõi của kẻ manh tâm. Khi đi ông nói với cụ Huỳnh và bạn bè: “Anh em cố gắng cho học hội và thương hội phát triển thêm”.

          Lúc ở Khánh Hòa, ông thấy bọn quan lại tham ô, ông tức làm bài ca trù để thức tỉnh:

                    Dân ta nay cực đà như chó

                    Sao quan còn võng đỏ ngáng ngà

                    Thời thế này, trai trí bỏ riêng ra

                    Quyền thế thậm, kim ngân đa mới khá

                    Dám hỏi mấy người công khanh, hầu bá

                    Ăn cơm vua, cầm quyền nước, ngồi mà lo những chuyện chi chi?

                    Dân đồ thán, quốc khuynh nguy

                    Độc Lạc mỗi ngày ca vũ mãi

                    Sách có chữ “Xuân lai, xuân bất tái”.

                    Nước mất rồi mua lại được không?

                    Xâu thuê này cực cả Tân Đông

                    Đông Tây cực, Bắc Nam rồi cũng khổ

                    Tại có chữ “Vị thân gia chi cố…”

                    Mút lông mèo một lũ u mê!

                    Mất rồi ngồi đợi trở về!

          Bài ca được truyền tụng trong dân chúng, khiến bọn thực dân càng căm thù ông.

          Lúc bấy giờ ở Khánh Hòa tri huyện Hồ Sĩ Tạo đỗ đại khoa vốn có cảm tình với phái Duy Tân nên cho phép ông dùng địa chỉ  của quan huyện để giao dịch thư từ tránh sự nghi ngờ của thực dân và tây sai. Khi ông Tạo nghỉ phép một tri huyện khác quyền nhiếp, một lá thư từ Quảng Nam gởi vào, tri huyện quyền nhiếp mở ra xem thì bì thư trong mang tên Trần Quý Cáp liền sinh nghi, bóc ra xem thấy có liên quan đến hoạt động khác, không phải việc công hay gia đình, liền đem trình với cấp trên là ám sát Nguyễn Văn Mại bộ chánh Phạm Ngọc Quát, hai tên này vốn có tư thù với ông và muốn tâng công lên chức, đã tìm cách hại ông.

          Nhân phong trào nổi lên xin xâu của nhân dân Đại Lộc lan đến Phú Yên, Hà Tĩnh, nhiều nhân sĩ bị bắt, tù đày, bố chánh Nguyễn Văn Mại cấu kết với ám sát Phạm Ngọc Quát vốn là tên xảo trá, tàn nhẫn, nhờ tài khuyền mã mà lên chức cho rằng ông đã xúi dân làm loạn bắt giam ông, soát nhà ông lấy được bức thư của học trò từ Quảng Nam gửi vào có câu: “Sĩ phu Đại Lộc tổ chức xin xâu tuần nhật lan khắp Trung Kỳ sự ấy là bất ngờ”, cùng khi đó ở Điện Bàn ông phủ Thống soát nhà cử nhân Phan Thúc Duyện (Phong Thử) bắt được lá thư của ông trong đó có câu: “Cận văn ngô châu cử thử, khoái thậm khoái thậm ( gần đây nghe tỉnh ta có làm việc ấy khoái lắm khoái lắm)”. Phủ thống đệ băm tỉnh tư vào Khánh Hòa, quan tỉnh Khánh Hòa phối hợp với công sứ Pháp tra hỏi, soát bắt tại nhà ông một bức thư của Phan Chu Trinh…

Khi tra xét ông khẳng khái nói: “Tôi chỉ thi hành sở học để làm cho dân khôn, nước mạnh, nay dân trí đã như vậy là khá cao, biết lo liệu cho tương lai của mình, cho vận mệnh nước nhà đó, tôi có tội tình gì ?”.

          Tỉnh Khánh Hòa đã kết án ông tử hình, hội nhân quyền Pháp có can thiệp để miễn tử hình, nhưng khi điện đến thì án đã thi hành.

          Ông thường nói: “Khai dân trí có ba cách: Học hiệu, báo chí và diễn thuyết, nhưng học hiệu chỉ là trường học trâu ngựa mà thôi, báo chí thì do người Pháp quản lý, chúng còn ngu dân không hy vọng gì chỉ còn diễn thuyết mà thôi. Có cắt lưỡi tôi đi thì thôi nếu không lưỡi của tôi là quyền của tôi, tôi quyết làm chí tôi, không thể lấy đầu tôi mà đối lưỡi với tôi được.” Quả nhiên vì lưỡi mà ông đã mất đầu, than ôi!

          Ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1908) ông bị đưa ra chém ở chợ Diên Khánh, tên cai ngục rất kính ông và nói với ông rằng? “Tôi vì phải thi hành mệnh lệnh thấy ông bị nguy như thế này lòng tôi như dao cắt, nếu ông cần bảo điều gì thì tôi xin ra sức”.

          Ông nói: “Được như thế này là chí muốn của tôi, có phàn nàn gì đâu, chỉ nhờ ông lấy cái áo lễ của tôi, đặt hương án ở trước tôi để tôi làm lễ từ biệt đồng bào đồng chí”.

          Hương án được đưa tới, ông mặc lễ phục quay về hướng Bắc lạy năm lạy và nói: “Quý Cáp này bất tài không giúp gì được một tay cho nước, cho vua, đồng bào lầm than chưa biết đến bao giờ mà tôi đã thoát khổ, thật là có tội xin lấy cái chết tạ tội” Rồi ông lạy bốn lạy và nói: “Các đồng chí cố gắng dân trí mở mang dần, dân trí có lúc dùng được, mong các đồng chí kiên trì giữ mình, góp sức suy nghĩ, đừng vội vã, đừng yếu ớt, làm cho được việc, đừng bắt chước tôi chết sớm. Tội tôi rất to, xin lỗi các đồng chí”.

          Nói xong ông quay lại nói với tên coi chém: “Việc tôi hết rồi” Tên coi chém chưa trả lời thì ông lại nói “ chưa chưa tôi còn mẹ già lẽ nào lại không tạ lỗi” Rồi ông trở lại hương án lạy bốn lạy nói: “Tôi lấy cái chết tạ mẹ già tôi”, nói xong ông chịu chém, ở tuổi đời 37 ông bị chém mà không có bản cáo trạng công khai để bị cáp phản biện, bản án người đời gọi là MẠC TU HỮU (1) là vụ án dã man nhất thời bấy giờ, làm xúc động nhân tâm cả nước.

          Phan Bội Châu bảo: Trần chết vì đã ghi bảy chữ biểu thị sự hân hoan vào bên lề lá thư từ Quảng Nam gởi vào “Dân ta làm thế sướng sướng sướng” nên câu cuối trong bài thơ điếu Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu viết:

                    … Thương tâm tất tự cánh thiên thu

                    (Đau lòng bảy chữ hóa nghìn thu)

          Trên bia mộ của ông, Phan Bội Châu viết câu đối:

          * Ngọc toái bất ngõa toàn, tam tự ngục hàn sơn hải khấp.

          * Hồng khinh nhi Thái Trọng, thiên thu luận định nhật tinh huyền.

( Thà viên ngọc nát hơn miếng ngói lành, ba chữ án thành khóc than non bể.

   Đành lông hồng khinh mà non Thái trọng, ngàn thu luận định chói lọi trời sao).

                                                                               

                                                                                         

 (1) (MẠC TU HỮU) MẠC: chẳng; TU: nên; HỮU: có

       ( Chẳng cần phải có)

          Gian thần Tần Cối là quyền thần nhà Tống, ăn của đút lót của giặc Kim kết tội trung thần Nhạc Phi án tử hình. Danh tưởng Hàn Thế Trung tìm hỏi Tần Cối thật hư, Nhạc Phi có tội gì? Tần Cối đáp: “Việc của Nhạc Phi tay chưa rõ ràng nhưng” chẳng cần phải có (mạc tu hữu) bằng chứng đích xác mới xử tội được. Ba chữ mạc tu hữu trở thành tam tự ngục là cái án ba chữ để kết tội mà giam vào ngục.