1.Lịch sử hình thành
Ra đời từ 1952 đến nay trường THPT Trần Quý Cáp – Hội An vừa tròn 72 năm.
Bảy mươi năm ấy với biết bao khó khăn cùng với những thách thức, nhà trường đã vượt qua và không ngừng phát triển vững mạnh như ngày nay, đã và đang tạo dựng vị thế, vai trò trên vùng đất học Quảng Nam nói chung và cả nước nói riêng. Cùng với không gian văn hóa của một đô thị cổ, trường THPT Trần Quý Cáp đã góp thêm một dấu ấn ký ức qua nhiều thế hệ.
Ngày 15/9/1952, trường được thành lập, cơ sở ban đầu mượn tạm Hội Quán Hải Nam để giảng dạy. Hiệu trưởng đầu tiên là Thầy Tăng Dục.
Năm 1955, trường dời qua địa điểm mới (địa điểm hiện tại), sau khi được xây cất qui mô.
Năm 1958, trường mở ba lớp Ðệ Tam A,B,C, Ðệ Nhị Cấp đầu tiên tại Hội An Quảng Nam.
Niên khóa 1962-1963, trường hoàn chỉnh các lớp Ðệ Thất (Lớp 7) đến lớp Ðệ Nhất (Lớp 12), gồm đủ ba ban A,B,C. Học sinh lớp 12 ban C (Văn chương) từ trường Phan Châu Trinh Ðà Nẵng, phải vào học tại trường Trần Quý Cáp, vì trường Phan Châu Trinh không có lớp 12 ban C.
Năm 1966, tại Hội An, mở thêm trường Nữ Trung Học. Tất cả các nữ sinh của trường Trần Quý Cáp phải chuyển qua trường Nữ Trung Học Hội An.
Ngày 30/8/1973, khởi công xây dựng Kỳ đài Trần Quý Cáp tại sân trường. Kiến trúc sư Nguyễn Hy Văn và Đô thị gia Đinh Văn Hời (cựu học sinh) đảm nhiệm vẽ họa đồ và theo dõi thực hiện công trình, Kỳ đài là biểu tượng của trường và vẫn trường tồn đến ngày nay.
Năm học 1975 - 1976, năm học đầu tiên sau ngày đất nước được thống nhất, hệ thống tổ chức của trường đã có sự thay đổi, các lớp Đệ nhất cấp (Cấp 2 - THCS) được tách ra, trường tiếp nhận thêm các lớp Đệ nhị cấp (Cấp 3 - THPT) từ các trường lân cận và trở thành trường cấp 3 Trần Quý Cáp, sau đó trở thành trường THPT Trần Quý Cáp như hiện nay.
Về quy mô nhà trường, số lớp, số học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên không ngừng tăng, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân Hội An và các vùng lân cận.
Lúc đầu chỉ có các lớp Ðệ Thất, Ðệ Lục, Ðệ Ngũ, tọa lạc tại chùa Hải Nam, với 5 phòng học nhà cấp 4, sau đó mở 3 lớp Đệ Tam bước đầu của Đệ nhị cấp.
Từ năm học 1960 -1961, ngoài những lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ của bậc học Đệ Nhất Cấp, trường mở các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị đủ 3 Ban. Năm học 1963-1964, trường phát triển mạnh, học sinh tốt nghiệp tú tài II các ban A, B, C đạt tỷ lệ và vị thứ cao trong tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ. Học sinh xin du học tăng rất cao. Năm học 1970-1971, trường nhận thêm các lớp trung học Đệ Nhất Cấp của trường Trung học Công Lập Quế Sơn. Trường có 27 lớp Đệ Nhất Cấp và 17 lớp Đệ Nhị Cấp với 2189 học sinh. Năm học 1973-1974, trường có 32 lớp Đệ Nhất Cấp và 23 lớp Đệ Nhị Cấp. Năm học 1974-1975, trường có 60 lớp: 34 lớp Nhất Cấp và 26 lớp Nhị Cấp. Năm học 1975-1976, toàn trường có 19 lớp với 880 học sinh (trong đó có 5 lớp 10, 7 lớp 11 và 7 lớp 12. Ngày 15/10/1982 Chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam của nhà trường được thiết lập và đi vào hoạt động (đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường). Năm học 1999 – 2000, nhà trường có 56 lớp với 2712 học sinh, gồm 22 lớp 10, 18 lớp 11, 16 lớp 12.
2.Cơ sở vật chất và công tác xã hội hóa giáo dục
Cơ sở vật chất hiện đại, ngày càng được đầu tư đồng bộ. Nhà trường có thư viện đạt chuẩn loại 1, tất cả các phòng học được trang bị máy chiếu hoặc tivi màn hình lớn phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy giáo dục.
Bên cạnh đó, sở GD&ĐT cũng đã hỗ trợ thêm cơ sở vật chất cho trường như các phòng Bộ môn Lý-Hóa_Sinh… xây dựng mới, Phòng học vi tính rộng rãi các trang thiết bị đầy đủ, bàn ghế mới phù hợp chuẩn theo qui định. Đảm bảo tất cả các phòng học, phòng thực hành đều có đầy đủ dụng cụ học tập, thí nghiệm. Qua đó, giúp các em dễ dàng tiếp cận tri thức và mang tới sự hứng thú trong học tập, thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy cho học sinh các khối. Khu vệ sinh của học sinh xây mới và thường xuyên sạch sẽ.
Khuôn viên trường được xây dựng rộng rãi, thoáng mát với hệ thống cây xanh tán rộng. Mỗi ngày các lớp trong nhà trường đều trực vệ sinh theo phân công, tạo được không gian xanh sạch đẹp phục vụ học tập.
Các lực lượng xã hội nhất là các cựu giáo viên và học sinh luôn quan tâm hướng về trường đóng góp về tinh thần và vật chất cho thầy và trò nhà trường không ngừng vươn lên đạt những thành tựu mới. Số kinh phí mà Ban khuyến học nhà trường nhận được là rất lớn, đến năm 2022, sổ tiết kiệm của Ban khuyến học nhà trường đang gởi tại ngân hàng là trên 4,5 tỷ đồng. Ban liên lạc cựu học sinh tại các địa phương, các vùng miền, ở nước ngoài cũng thành lập nhiều quỹ học bổng như Quỹ học bổng thầy Hoàng Trung, thầy Dương Ngọc Tạo, Quỹ học bổng giáo sư Trần Văn Thọ, Quỹ học bổng của cựu học sinh ở Hội An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...Hàng năm phát học bổng cho học sinh nhà trường gần 500 triệu đồng.
3.Thành tích đạt được
Từ mái trường này, nhiều cựu học sinh nay đã thành đạt sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài. Trong đó có những nhà quản lý xã hội, những văn nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà khoa học có tiếng như: giáo sư Trần Văn Thọ hiện đang giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Ông từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật như Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế (thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước), Viện Nghiên cứu tài chính và phát triển kinh tế (thuộc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JBIC). Ông là một trong những người tích cực nhất trong các hoạt động nghiên cứu và đề xuất ý kiến về mặt chính sách tại Nhật Bản và Việt Nam.
GS. Dương Quang Trung tốt nghiệp Trường THPT Trần Quý Cáp năm 1997, sau đó trở thành sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Viễn thông. Tiếp đó, anh nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc, lấy bằng thạc sĩ, và hoàn thành bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống viễn thông năm 2012 với học bổng toàn phần tại Thụy Điển. Đầu năm 2013, Dương Quang Trung được nhận vào ngạch Giáo sư của Trường ĐH Queen’s Belfast, không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ. Tháng 8 năm 2020, GS Trung được phong GS thực thụ tại ĐH Queen’s Belfast.
GS Trung cũng đã từng là người đoạt giải thưởng danh giá Research Fellowship của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh Quốc cách đây 5 năm cho các nhà nghiên cứu trẻ 2015-2020 (cả nước Anh năm đó chỉ có 8 người được trao giải cho tất cả các ngành khoa học kỹ thuật), và được nhận giải thưởng danh giá Newton Prize 2017.
Do những đóng góp của GS cho sự cộng tác khoa học và giáo dục giữa Việt Nam và Anh Quốc, GS Trung được nguyên Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ngài Gareth Ward, vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh - Việt (1973 - 2018). Anh cũng được giới thiệu trên trang bìa của ấn phẩm “25 năm gắn bó của Hội đồng Anh tại Việt Nam”, trong đó mô tả sức mạnh của mối quan hệ văn hóa và sự hợp tác, cộng tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam như một câu chuyện thành công và tấm gương sáng về năng lực -xây dựng chương trình nghiên cứu giữa 2 nước.”
Cũng từ mái trường này đã có nhiều tấm gương hiếu học thành đạt đã tạo động lực và sự khơi dậy cho các lớp học sinh nhà trường sau này như: Cựu học sinh Đinh Văn Thu (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), CHS Nguyễn Sự (nguyên Bí thư, chủ tịch UBND thành phố Hội An), Đô thị gia KTS Đinh Văn Hời, CHS cố nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoàng, CHS….Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, CHS …… Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Tháng 2/2001 nhà trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích nhà trường góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Từ ngày thống nhất đất nước đến nay trường liên tục được công nhận tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, Chi bộ, các đoàn thể liên tục được công nhận vững mạnh xuất sắc. Đặc biệt trường 2 lần được công nhận lá cờ đầu ngành học THPT của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây và Tỉnh Quảng Nam ngày nay vào các năm học 1981-1982 và năm học 2007-2008.
Với việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng đổi mới công tác quản lý; đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng và phát huy các truyền thống tốt đẹp của nhà trường, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được nâng cao. Số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh ngày càng tăng. Trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh THPT, học sinh nhà trường luôn đạt kết quả cao, tạo được tiếng vang trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong nhiều năm học qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%; tỉ lệ học đậu Đại học - Cao đẳng đạt trên 90% , nằm trong tốp 200 THPT trên toàn quốc có tỉ lệ đậu Đại học - Cao đẳng cao.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào luyện lớp lớp các thế hệ học sinh dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều luôn luôn nêu cao truyền thống trường Trần Quý Cáp dù địa vị xã hội có khác nhau: là kỹ sư, bác sĩ, nhà nghiên cứu, giáo sư, văn nghệ sĩ, nhà chính trị, nhà kinh tế, sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân và công an nhân dân hoặc là người lao động trong các ngành nghề của xã hội đều luôn luôn giữ gìn và bảo vệ uy tín nhà trường, hết lòng, hết sức cống hiến cho sự phồn vinh, giàu mạnh, sự trường tồn vững chắc của Tổ Quốc, biết sống, lao động và cống hiến đáp ứng được những kỳ vọng của nhà trường và của nhân dân. Nhìn chặng đường đã đi qua chúng ta rất đỗi tự hào và phấn khởi tự tin bước vào chặng đường mới. Bằng trí tuệ, ý chí và nghị lực cộng với sự lãnh đạo chỉ đạo, sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và các lực lượng giáo dục tại địa phương, sự hỗ trợ tích cực của cựu giáo viên, học sinh qua các thời kỳ chắc chắn rằng những mục tiêu mà chiến lược phát triển nhà trường đã đề ra sẽ sớm trở thành hiện thực, xứng đáng là ngôi trường có bề dày truyền thống và vinh dự mang tên chí sĩ, người thầy mẫu mực: Tiến sỹ Trần Quý Cáp.
Lãnh đạo Sở Giáo dục Quảng Nam và Thành phố Hội An tặng hoa chúc mừng cho lãnh đạo nhà trường nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.